Thương mại điện tử góp phần dẫn dắt kinh tế số

Với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Vượt qua tác động Covid-19 và giãn cách xã hội tới ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraina, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, suy thoái… từ hai năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn tăng trưởng 20% trong năm 2022 và quy mô ước đạt 16,4 tỷ USD, theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022. Ước tính số lượng người tiêu dùng Việt mua sắm trực tuyến trong nước năm qua là 57 – 60 triệu người, với giá trị mua sắm trực tuyến của một người ước đạt 5,7 – 6,2 triệu đồng một năm. Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước vào khoảng 7,8%.

TMĐT ngày càng trở nên phổ biến trong hành trình mua sắm của người dân. Ảnh: Lazada Việt Nam

Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company, cho biết, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng gấp 3 lần so với 2021, đạt khoảng 39 tỷ USD. Theo Bộ Công thương, TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Ba động lực của TMĐT

Tăng trưởng nói trên của ngành TMĐT đến từ nhiều động lực. Thứ nhất là thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Đại dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng dần chuyển hướng từ mua sắm trực tiếp (offline) sang mua sắm trực tuyến (online) và TMĐT được xem là một trong những kênh chính phục vụ cho hình thức mua sắm này. Khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến của Lazada và Milieu Insight vào tháng 3/2022 cho thấy, 73% người tiêu dùng Đông Nam Á đã xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hàng ngày vì sự thoải mái và tiện lợi. Họ cũng sẵn sàng dành công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu.

Động lực thứ hai cho tốc độ tăng trưởng ngành này nằm ở cường độ cải tiến và đầu tư liên tục của các nền tảng TMĐT nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm người dùng. Các sàn TMĐT không những cung cấp đa dạng mô hình vận hành để doanh nghiệp linh hoạt hơn trong quản lý tồn kho và cung ứng sản phẩm khi kinh doanh trực tuyến, mà còn đưa ra các giải pháp kèm theo giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xây dựng gian hàng và quản lý nhân sự, chi phí marketing, chi phí tiếp cận và nâng cao dịch vụ đến khách hàng…

Với đặc thù công nghệ của thời đại mới, công cuộc chuyển đổi số hiện nay không chỉ là cuộc chơi của những doanh nghiệp lớn với nguồn vốn dồi dào, mà khả năng tiếp cận đã mở rộng hơn đến với cả những doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, tiểu thương…

Huyền Anh

Source: Vnexpress