6 xu hướng phát triển bền vững của thương mại điện tử

6 xu thế về đầu tư, kinh doanh, công nghệ, trải nghiệm người dùng, thanh toán và nhân lực sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025.

Mỗi giai đoạn của thương mại điện tử (TMĐT) được biểu thị bằng đặc điểm riêng phụ thuộc vào xu hướng của người tiêu dùng và tình hình kinh tế thị trường. Nếu 2020-2022 là giai đoạn bứt tốc của kinh tế số, đưa thương mại trực tuyến thâm nhập sâu mạnh vào cuộc sống người tiêu dùng thì từ năm 2023 là cuộc đua của những giá trị bền vững và dài hạn.

Trong báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số do Lazada Việt Nam phối hợp VCCI công bố hôm 21/3, bên cạnh việc phân tích các yếu tố giúp phát triển TMĐT bền vững, báo cáo cũng đưa ra dự báo về 6 xu thế đầu tư, kinh doanh, công nghệ, trải nghiệm người dùng, thanh toán và nhân lực sẽ thúc đẩy TMĐT phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025. Từ đó, các doanh nghiệp TMĐT có thể nắm bắt và đưa ra những tùy chỉnh phù hợp nhất với chiến lược kinh doanh của mình.

Xu hướng phát triển bền vững trong TMĐT xoay quanh “tứ trụ” gồm: Mô hình kinh doanh – cơ sở hạ tầng – nhân lực số – nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ảnh: Lazada Việt Nam

Đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng

Trong xu hướng phát triển bền vững, TMĐT sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics hay con người. Ở giai đoạn trước, những mô hình doanh nghiệp TMĐT bền vững đã cho thấy sức chống trụ bền bỉ cũng như mức độ hiệu quả trong việc duy trì và phát triển kinh doanh trước những “con sóng” của thị trường. Trong tương lai, các doanh nghiệp TMĐT cũng được khuyến khích hướng đến các giá trị dài hạn, thay vì “đốt tiền” để chạy theo các mục tiêu ngắn hạn.

Xây dựng hệ sinh thái TMĐT

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dẫn đến xu hướng thứ hai – tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan trong kinh doanh. Thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị cộng hưởng từ tam giác “đối tác – doanh nghiệp – người tiêu dùng”, TMĐT bền vững sẽ tạo dựng nền tảng giúp doanh nghiệp đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, đưa ra chiến lược phát triển dài hạn, tận dụng triệt để các giải pháp từ công nghệ, cơ sở hạ tầng, logistics, đến tiếp thị trong hệ sinh thái.

Những hạng mục đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng công nghệ - logistics đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp TMĐT tập trung đẩy mạnh. Ảnh: Lazada Việt Nam

Những hạng mục đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng công nghệ – logistics đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp TMĐT tập trung đẩy mạnh. Ảnh: Lazada Việt Nam

Áp dụng công nghệ hiện đại

Doanh nghiệp sẽ tăng cường đẩy mạnh đầu tư bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến như học máy (machine learning), trí tuệ nhân tạo AI, Internet of Things (IoT) và blockchain để tối ưu hóa hoạt động quản lý, vận hành.

Kết nối khách hàng

Về trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững sẽ kết nối các hành vi riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và cá nhân hóa cho mỗi khách hàng từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động marketing, các doanh nghiệp TMĐT cũng cần kiện toàn chính sách đổi trả hàng hóa, để trải nghiệm khách hàng không bị “gãy” ở những nút thắt cuối cùng.

Mua trước trả sau

Báo cáo dự đoán, khách hàng sẽ ngày càng ưa chuộng phương thức mua trước, trả sau vì tính linh hoạt và thuận tiện của nó.

Các xu hướng mới trong thanh toán, công nghệ hay đầu tư là tín hiệu của xu hướng phát triển bền vững TMĐT. Ảnh: Lazada Việt Nam

Phổ cập kiến thức kinh tế số

TMĐT bền vững đang từng bước thúc đẩy phổ cập hiểu biết về kinh tế số đến doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc.

Với báo cáo Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số do Lazada, VCCI cùng các chuyên gia nghiên cứu, ngành TMĐT nói riêng cũng như nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai được kỳ vọng ghi nhận những bước tiến mới, khởi đầu bằng chính nhận thức và chuyển mình của hàng nghìn doanh nghiệp bền vững.

Báo cáo của Lazada Việt Nam và VCCI cũng đánh giá, việc thúc đẩy phát triển bền vững sẽ mở ra cánh cửa để doanh nghiệp tiếp cận môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và xây dựng sự trung thành từ người tiêu dùng, cũng như mở rộng tệp khách hàng mới. Ở vị trí người tiêu dùng, TMĐT theo hướng bền vững mang lại các dịch vụ – sản phẩm vượt trội, cải thiện về chất lượng, giá thành và tăng trải nghiệm trong quá trình mua sắm.

Theo báo cáo, TMĐT của Việt Nam đang bước sang đoạn mới. Đây là thời điểm để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang các chiến lược bền vững hơn để mang lại lợi ích cho khách hàng, cộng đồng lẫn chính bản thân doanh nghiệp.

Source: Vnexpress