TTO – Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT). Nhiều báo cáo quốc tế dự đoán đây sẽ là mảng “gà đẻ trứng vàng” cho Việt Nam trong tương lai gần.
Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT cùng với những tác động của đại dịch COVID-19 đã vô tình thôi thúc và mở lối cho nhiều doanh nghiệp Việt bán hàng xuyên biên giới.
Ngồi Việt Nam bán hàng xuyên biên giới
Chỉ mới hơn 2 tuổi đời nhưng Monrovia Việt Nam – công ty chuyên cung cấp dụng cụ làm vườn cao cấp có trụ sở tại quận 12, TP.HCM – đã đạt doanh số bán hàng ấn tượng.
Mảng xuất khẩu mạnh thứ 5 của Việt Nam
Theo báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua TMĐT tại Việt Nam do Hãng Amazon vừa công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tăng trưởng trên 20%/năm, đạt 75.400 tỉ đồng (3,3 tỉ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256.100 tỉ đồng (11,1 tỉ USD) vào năm 2026. Trong đó, hơn 64% doanh số do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tạo ra.
Báo cáo nhận định nếu coi “thương mại điện tử B2C” như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Theo thống kê của Công ty Ninja Van, TMĐT xuyên biên giới với các mặt hàng từ Việt Nam hoạt động chủ yếu thông qua các sàn TMĐT quốc tế như Amazon, JD.com, Alibaba, Shopee Global…
Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoàng Hải – cục trưởng Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương – cho rằng với doanh thu TMĐT theo mô hình B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỉ USD, đặc biệt thị trường TMĐT của các quốc gia là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam – như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia EU – ngày càng tăng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường.
Việc tận dụng được các thị trường TMĐT phát triển mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp có thể len vào các thị trường khó tính – nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống. Hình thức này cũng giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có cơ chế hỗ trợ. Theo Kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ xây dựng gian hàng quốc gia trên một số sàn TMĐT lớn của thế giới, tổ chức các không gian hàng Việt là nơi tập trung các thương hiệu uy tín, có hàm lượng nội địa hóa cao, được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ.
Các thị trường đang được hướng tới là Đông Nam Á, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…
Ông Hải cho rằng chắc chắn TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân.
Source: tuoitre online